“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN DUYÊN HẢI ::.”

Lý luận về đảng kiểu mới của Lênin đã phát triển, hoàn chỉnh học thuyết về Đảng Cộng sản

Lý luận về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân mà Lênin phát kiến đã khẳng định, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết Mác-Ăngghen về Đảng Cộng sản, từ đó mở ra một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại, thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh vì lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Nhân kỷ niệm 153 năm Ngày sinh V.I. Lê-nin (22/4/1870 – 22/4/2023), chúng ta cùng nhắc nhớ lại những công lao vĩ đại của ông trong lịch sử thế giới và với nền cách mạng Việt Nam.

Lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân

Một trong những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với sự nghiệp phát triển của học thuyết Mác, cũng như đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân là lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Những tư tưởng đó thể hiện trong tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” năm 1904, trong đó chỉ rõ những nguyên lý cơ bản để xây dựng chính đảng kiểu mới, căn cứ, nguyên tắc để phân biệt một đảng cách mạng, chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân với các tổ chức chính trị, đảng phái khác.

Lênin nhận định mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng là cách mạng vô sản, lật đổ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản. Theo Lênin, nguyên tắc cơ bản về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân là: lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; là người lãnh đạo quảng đại quần chúng giai cấp công nhân; tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, đoàn kết thống nhất là quy luật trong xây dựng và phát triển của Đảng; tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng và phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng; chủ nghĩa Quốc tế Vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng.

Đêm 7/11/1917, Đại hội các Xô Viết được triệu tập, thành lập Chính quyền Xô Viết do V.I. Lê-nin đứng đầu. (Ảnh tư liệu)

Theo V.I.Lênin, khi có chính quyền, cuộc đấu tranh giai cấp chưa chấm dứt, mà tiếp tục diễn ra dưới những nội dung, hình thức và phương pháp mới. Để phối hợp hành động và hướng hoạt động của cả hệ thống chính trị vào xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản “về nguyên tắc, Đảng Cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo”. Muốn vậy, theo Lênin, là bộ phận của hệ thống đó nên Đảng phải là “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”.

Để bảo đảm vai trò lãnh đạo và giữ vững bản chất công nhân của Đảng, Lênin cho rằng, Đảng phải quan tâm đến công tác thanh đảng vì đảng cầm quyền phải biết làm cho hàng ngũ của mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng. Theo Người, mục đích thanh đảng là loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn khiêu khích, thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; công khai đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn. Thanh đảng nhằm vào đối tượng bè phái chống Đảng; những phần tử tuyên truyền quan điểm chống Đảng; những đảng viên gian giảo, quan liêu, không trung thực, nhu nhược, xu nịnh, luồn lọt; bọn tham ô, ăn cắp; bọn người lập ra hết ban này ban nọ mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào, tức là những đảng viên có phẩm chất đạo đức xấu và yếu kém về năng lực. V.I.Lênin cho rằng, việc thanh đảng cần được thực hiện dưới nhiều hình thức như: đăng ký lại đảng viên, động viên ra khỏi Đảng… Những kẻ đê tiện lẩn lút trong Đảng, hiếp đáp quần chúng thì cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, kiên quyết khai trừ ra khỏi Đảng, xử lý dứt điểm theo pháp luật tương xứng với tội lỗi đã gây ra.

Những luận điểm của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới đã khẳng định, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết Mác-Ăngghen về Đảng Cộng sản, đặt cơ sở cho sự ra đời và hoạt động của Đảng Bôsêvích Nga và hàng loạt các Đảng Cộng sản sau này, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là tiêu chuẩn khoa học để phân biệt chính Đảng Mác xít của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.

Với tư cách là Lãnh tụ của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917, V.I.Lênin là người mác-xít đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác, đưa lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết. Dưới ngọn cờ của V.I.Lênin, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã… Chính V.I.Lênin là người đã làm cho chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực; lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô Viết, một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại đã bắt đầu. Đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc đứng lên đấu tranh vì lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

V.I. Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7/11/1918. (Ảnh tư liệu)

Vận dụng lý luận về đảng kiểu mới trong thực tiễn cách mạng Việt Nam

Trên con đường đi tìm độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp được Sơ thảo lần thứ nhất về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Người đã thốt lên bằng niềm vui sướng tột cùng: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Tiếp nhận những tư tưởng, luận điểm sâu sắc từ Lênin, nhất là tư tưởng về quyền các dân tộc bình đẳng, về cách mạng vô sản… và bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga; bằng trí tuệ và kinh nghiệm sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến khẳng định: “con đường duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản”; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “Chủ nghĩa Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Vận dụng tư tưởng của Lênin, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã ban hành hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”… để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các trọng tâm về công tác xây dựng Đảng. Nhờ đó, bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên, Đảng luôn vững vàng và có những quyết sách phù hợp để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả. Bản chất, lập trường giai cấp công nhân của Đảng được giữ vững; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và người đứng đầu các cấp từng bước được nâng lên; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có tiến bộ; việc ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến rõ nét.

Đặc biệt, trong công tác phòng, chống tham nhũng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng ngày càng rõ rét hơn”. Đảng ta khẳng định “cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

Đảng ta đã thẳng thắn nhìn vào sự thật, chỉ ra những khuyết điểm trong Đảng, sẵn sàng, công khai đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa biến chất. Cụ thể, trong 10 năm (2012-2022), các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ án tham nhũng, 5.841 bị can; truy tố 2.628 vụ, 6.199 bị can. Riêng trong năm 2022, có gần 540 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật. Trong 4 tháng đầu năm 2023, hàng trăm cán bộ, công chức liên quan đến việc nhận hối lộ ở các trung tâm đăng kiểm và vụ án “chuyến bay giải cứu” bị khởi tố.

Những con số trên cho thấy quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, đưa nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này không chỉ là tuyên ngôn chính trị mà đã trở thành hành động thực tế. Việc này, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình rất đau xót, nhưng buộc phải làm”, bởi nó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, chống đối.

Những tư tưởng của Lênin về xây dựng chính đảng kiểu mới được Đảng ta kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo, cụ thể hóa trên thực tiễn, qua các giai đoạn cách mạng. Nhờ đó Đảng không ngừng lớn mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; uy tín và ảnh hưởng của Đảng ngày càng được nâng cao; Nhân dân đồng tình ủng hộ, giữ vững niềm tin với Đảng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen, Đảng và Nhân dân ta vẫn luôn kiên định con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cơ sở luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; coi đây là biểu hiện sinh động nhất của sự kiên định vận dụng sáng tạo quan điểm thống nhất trong nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng vô sản./.

Nguồn: doanthanhnien.vn

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT CŨ HƠN

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn