“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN DUYÊN HẢI ::.”

Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin để giải quyết những vấn đề thực tiễn ở Việt Nam

Đảng ta khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động và là vấn đề có tính nguyên tắc đối với cách mạng Việt Nam. Đây là bước phát triển về nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta trong công cuộc đổi mới, với quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Những thành tựu trong công cuộc đổi mới trong những năm qua thật đáng trân trọng và khích lệ, đồng thời cũng đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

V.I. Lênin diễn thuyết trước các chiến sĩ cách mạng Hồng vệ binh tại Quảng trường Đỏ Mátxcơva trong Cách mạng tháng Mười Nga. (Ảnh tư liệu)

Với tinh thần đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo một trong những quan điểm quan trọng của V.I. Lênin là về chủ nghĩa quan liêu và biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền là cần thiết đối với cách mạng nước ta hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu trên và nhân dịp kỷ niệm 153 năm ngày sinh của Vơlađimia Ilích Lênin (22-4-1870 – 22-4-2023), bài viết luận giải rõ quan điểm của V.I. Lênin: một là, về chủ nghĩa quan liêu và hai là, biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu.

Chủ nghĩa quan liêu là “căn bệnh” nguy hiểm, phổ biến trong cán bộ, đảng viên

Chủ nghĩa quan liêu là “căn bệnh” nguy hiểm, khá phổ biến trong cán bộ, đảng viên và trong các tổ chức đảng và nhà nước. “Căn bệnh” này chẳng những làm xói mòn phẩm chất đạo đức cách mạng và phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, mà còn gây tác hại nhiều mặt đối với sự nghiệp xây dựng dất nước giàu mạnh. V.I. Lênin là người phát hiện sớm và coi “căn bệnh” này là kẻ thù nguy hiểm, nhất là trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy chủ nghĩa quan liêu là gì? Những biểu hiện của nó ra sao? Nguồn gốc của nó từ đâu? Tác hại của nó như thế nào? Cần phải sử dụng những biện pháp gì để khắc phục? V.I. Lênin đã cho nhiều kiến giải khoa học về những vấn đề này. Trước hết, theo V.I. Lênin, “quan liêu có thể có nghĩa là vi phạm những quyền lợi chính đáng và, nếu có thể nói như vậy, những quyền lợi “tự nhiên” của mọi phái đối lập, có nghĩa là một cuộc đấu tranh chống lại một thiểu số bằng những thủ đoạn không đúng, nhưng thứ quan liêu đó không có gì là tính chất nguyên tắc cả”1. Còn chủ nghĩa quan liêu, “có thể dịch ra tiếng Nga bằng danh từ: chủ nghĩa địa vị. Chủ nghĩa quan liêu, tức là đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng đến địa vị mà không đếm xỉa đến công tác; tức là tranh giành nhau để được bổ tuyển khi mà đáng lẽ phải đấu tranh cho những tư tưởng”2.

Biểu hiện chung nhất của chủ nghĩa quan liêu là bệnh hành chính, sự vụ, bệnh giấy tờ, tệ lười nhác; tác phong lề mề, xử lý công việc vụng về; thói ba hoa, khoác lác, nói không đi đôi với làm và trả lời các vấn đề qua loa, đại khái; là tính vô nguyên tắc, tự do vô kỷ luật; là bệnh tham ô, lãng phí, hối lộ, kiêu ngạo, hống hách, tự cao, tự đại; là chỉ đạo và thực thi công việc tắc trách, xa thực tế, xa rời quần chúng; là chủ nghĩa cá nhân, v.v.. Trong cán bộ, đảng viên, chủ nghĩa quan liêu biểu hiện ở tính bản vị, cục bộ, tính “kiêu ngạo cộng sản”; lề lối làm việc chậm chạp, giải quyết công việc lộn xộn; thiếu năng lực chuyên môn, thiếu lý luận, thiếu kiến thức thực tiễn; ngại khó khăn, gian khổ, lười học tập, không chịu tiếp thu cái mới, không chịu tu dưỡng, rèn luyện; bảo thủ, trì trệ; suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, “muốn xông vào hai chục việc một lúc để rồi không có thì giờ nên không làm xong một việc nào cả”. V.I. Lênin gọi những biểu hiện này là “tật bệnh”, là “kẻ thù thứ nhất” đối với cán bộ, đảng viên. Một biểu hiện nguy hại và đặc biệt nguy hiểm của bệnh quan liêu ở người cán bộ, đảng viên cộng sản là xa rời quần chúng, xa rời thực tế, làm mất đi sức mạnh của mối liên hệ máu thịt giữa đảng của giai cấp công nhân với đông đảo quần chúng nhân dân lao động.

Trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là trong các tổ chức đảng, nhà nước, chủ nghĩa quan liêu biểu hiện rõ ở mặt tổ chức. Đó là việc bố trí, sắp xếp bộ máy nhà nước, bộ máy đảng và các đoàn thể một cách tùy tiện, phân tán, lập ra hết ban nọ, phòng kia, chỉ với mục đích là “cho oai, cho oách”, làm cho bộ máy cồng kềnh và phình ra quá lớn. Tất cả lại thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, nên hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Đó còn là bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ không đúng vị trí, chức năng, trái ngành nghề, không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực, làm cho năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác thấp. Một biểu hiện khá điển hình mà V.I. Lênin phê phán kịch liệt là việc xây dựng kế hoạch viển vông, không căn cứ vào điều kiện thực tế, là việc “vạch ra các đề cương hết sức rỗng tuếch, hoặc nặn ra những dự thảo và khẩu hiệu hết sức chung chung” và hoàn toàn duy ý chí. Vì thế, Người cảnh báo rằng: “Chúng ta bị vũng lầy chủ nghĩa quan liêu đáng nguyền rủa cuốn hút vào việc thảo công văn, bàn bạc sắc lệnh, và công tác sinh động bị chìm ngập trong các biển giấy tờ ấy”.

Trong lĩnh vực kinh tế, chủ nghĩa quan liêu biểu hiện ở việc làm việc không có kế hoạch cụ thể, mà tùy tiện, gặp đâu làm đấy, phê chuẩn một cách bừa bãi, đề ra những quyết định không đúng, hội họp liên miên, không chú ý đến hạch toán kinh tế, không căn cứ vào điều kiện cụ thể, bất chấp hoạt động của các quy luật kinh tế khách quan. Nhiệm vụ xây dựng kinh tế như V.I. Lênin phân tích, là công tác trung tâm của cách mạng xã hội chủ nghĩa, một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của đảng lãnh đạo chính quyền, một công tác đòi hỏi những thử thách gian lao, những cố gắng bền bỉ, tính tự chủ, tính chính xác và lòng kiên nhẫn rất cao. Chính bệnh hình thức, thích phô trương, thích báo cáo thành tích, mà lại báo cáo sai sự thật, v.v. là những biểu hiện gây tác hại không nhỏ trong hoạt động kinh tế – xã hội, mà Người gọi đó là bệnh “kiểu cách rởm”, “phô trương rởm”.

Nguyên nhân xuất hiện chủ nghĩa quan liêu được V.I. Lênin phân tích kỹ, có thể khái quát ở mấy nguyên nhân chính dưới đây:

Về mặt xã hội, theo V.I. Lênin, do tàn dư, thói quen và tập tục thuộc về bản chất của xã hội cũ. Những tàn dư này thâm nhập vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, vào cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp, được in dấu ấn rõ nét ở nhiều cán bộ lãnh đạo trong các hoạt động của bộ máy đảng, nhà nước và hệ thống chính trị. Về mặt văn hóa, do trình độ văn hóa thấp của cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân lao động, và do trình độ chuyên môn non kém của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Trình độ quản lý yếu kém của cán bộ lãnh đạo là nguyên nhân chủ yếu xuất hiện chủ nghĩa quan liêu trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Người cho rằng, ở những nơi xuất hiện và tồn tại chủ nghĩa quan liêu thì “điều người ta cảm thấy rõ rệt nhất chính là thiếu những lực lượng văn hóa”. Về mặt lịch sử, đó là hậu quả của chiến tranh. Bởi chiến tranh là sự thử thách cao nhất đối với một dân tộc, một chế độ xã hội; nó tàn phá nền kinh tế của đất nước, làm đảo lộn mọi hoạt động và sinh hoạt của xã hội. Trong chiến tranh, đảng của giai cấp công nhân và mọi lực lượng của dân tộc phải dồn sức vào nhiệm vụ quân sự – một  nhiệm vụ thu hút nhiều nhân tài, vật lực của đất nước và ở chừng mực đáng kể thực hiện chế độ bao cấp. Do đó, sau chiến tranh, chủ nghĩa quan liêu và những phần tử quan liêu có điều kiện xuất hiện và tồn tại. Về mặt kinh tể, do quan hệ sản xuất và nền sản xuất nhỏ, do thiếu sự trao đổi và liên hệ giữa các địa phương, giữa các ngành kinh tế, đặc biệt là giữa công nghiệp và nông nghiệp. V.I. Lênin cho rằng, nguồn gốc kinh tế của chủ nghĩa quan liêu là tình trạng chia rẽ, phân tán của những người sản xuất nhỏ, cảnh khốn cùng của họ, tình trạng thiếu đường giao thông, thiếu sự trao đổi giữa các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp và công nghiệp.

Về tác hại của chủ nghĩa quan liêu, V.I. Lênin khẳng định: “Đó là kẻ thù bên trong tệ hại nhất của chúng ta”; là “trở lực lớn” thực hiện những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; là “vật cản” đối với sự phát triển toàn diện của đất nước. Người còn chỉ ra rằng, nó là “bạn đường” của tính tự phát tiểu tư sản, của xu hướng vô chính phủ, của tàn dư chế độ cũ. Chủ nghĩa quan liêu cùng với những thế lực đó tấn công vào giai cấp công nhân và đội tiên phong là Đảng Cộng sản, vào các tổ chức bộ máy của đảng và nhà nước. Nó kéo sự nghiệp của giai cấp công nhân và đội tiền phong là Đảng Cộng sản và của dân tộc “đi thụt lùi”. Thực chất là nó phá tan Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý, chủ nghĩa quan liêu là “nguồn gốc” của mọi sai lầm, từ sai lầm nhỏ đến sai lầm lớn, của những hành vi tùy tiện, tham ô, lãng phí, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, cục bộ, bản vị, hống hách, bất chấp mọi nguyên tắc, bất chấp mọi pháp luật, v.v.. Nó làm xói mòn phẩm chất, năng lực và phong cách của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nó có khả năng biến họ “trở thành những kẻ có đặc quyền, đặc lợi, thoát ly quần chúng”.

Chủ nghĩa quan liêu “gặm nhấm” dần bộ máy Đảng và Nhà nước, nó “phá vỡ” dần sức mạnh của mối liên hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân, làm mai một niềm tin của quần chúng đối với Đảng Cộng sản cầm quyền. V.I. Lênin chỉ rõ: Chủ nghĩa quan liêu sẽ dẫn tới nguy cơ từ bỏ lập trường chính trị, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, bỏ rơi nguyên tắc tổ chức của đảng, xa rời quần chúng nhân dân – nguồn lực tạo nên sức mạnh của Đảng Cộng sản, đi chệch mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Người còn nhấn mạnh: “Những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”3. Chủ nghĩa quan liêu còn là “đầu mối” của mọi sự bất đồng, mất đoàn kết trong nội bộ đảng, nội bộ giai cấp công nhân, trong bộ máy điều hành của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tác hại này được V.I. Lênin phân tích rõ: “Một điều rõ ràng là trong một nước đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì một sự chia rẽ trong nội bộ giai cấp công nhân, hoặc giữa Đảng với quần chúng nhân dân lao động không phải chỉ là nguy hiểm mà còn là cực kỳ nguy hiểm, nhất là nếu trong nước đó, giai cấp công nhân chỉ là thiểu số, nhỏ bé trong dân cư”4. Tóm lại, chủ nghĩa quan liêu, theo V.I. Lênin là “vấn đề đau đớn”. Nó không chỉ là sai lầm về tác phong, phương pháp công tác, mà còn là “kẻ thù bên trong nguy hiểm nhất”, có quan hệ trước hết và chủ yếu đến lập trường, quan điểm và đạo đức, bản chất cách mạng của đảng cầm quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên. Nó làm thoái hóa đội ngũ cán bộ của đảng, nó có thể dẫn đảng cầm quyền tới nguy cơ tan rã, dẫn chế độ xã hội chủ nghĩa tới nguy cơ sụp đổ. Bài học đau đớn dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trong đó có nguyên nhân của chủ nghĩa quan liêu.

Làm gì để đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu ?

Đề cập đến các biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu, V.I. Lênin đã để lại cho chúng ta nhiều chỉ dẫn quý báu. Dưới đây xin nêu một số biện pháp chủ yếu:

Một là, về mặt nhận thức, phải coi chống chủ nghĩa quan liêu là “nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của giai đoạn cách mạng” – quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, là tuyệt đối cần thiết và cũng phức tạp như cuộc đấu tranh chống xu thế tự phát tiểu tư sản và tư sản. V.I. Lênin coi đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu là đặc biệt quan trọng, nhất là trong những bước ngoặt của sự nghiệp cách mạng, trong khi chuyển từ hệ thống quản lý này sang hệ thống quản lý khác, đồng thời Người đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có “trình độ thông thạo nghiệp vụ, nhanh nhẹn và nghị lực tối đa”.

Hai là, về mặt hành động, chủ nghĩa quan liêu không phải nhất thời, mà có tính “thâm căn cố đế”. Vì vậy, đấu tranh để chiến thắng nó phải rất kiên quyết, rất kiên trì, không nản chí và phải được tổ chức chặt chẽ với nhiều biện pháp thích hợp trong từng thời kỳ cách mạng. Nếu quan niệm rằng, có thể nhanh chóng thanh toán được “căn bệnh” này, có thể cắt bỏ cái “ung nhọt” này một cách dễ dàng là sai lầm ngay trong cách đặt vấn đề. Cần phải thừa nhận thực tế của “căn bệnh” này và phải kiên trì đấu tranh với nó. Người xác định: “Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu trong một nước nông dân hết sức quyệt quệ đòi hỏi phải có thời gian lâu dài, và cuộc đấu tranh này cần phải tiến hành một cách kiên trì, không nản chí, thậm chí khi thất bại lần đầu”5.

Ba là, thực hành dân chủ rộng rãi và mở rộng dân chủ, phát triển dân chủ đến cùng bằng cách tạo ra những tiền đề và điều kiện thuận lợi nhất với những hình thức phong phú để động viên mọi người thực sự tham gia việc quản lý và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vự kinh tế và ở cấp cơ sở. V.I. Lênin còn yêu cầu mỗi cơ quan đảng và nhà nước phải đặt ra quy chế ngày giờ tiếp dân để giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng và những kiến nghị đúng đắn mang tính xây dựng của nhân dân. Theo Người, “chỉ khi nào toàn thể nhân dân đều tham gia quản lý thì khi ấy mới có thể đả phá chủ nghĩa quan liêu đến cùng, đến thắng lợi hoàn toàn được”.

Bốn là, thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên từ dưới lên và từ trên xuống đối với các hoạt động của các tổ chức, cơ quan nhà nước và cơ quan đảng, đặc biệt là sự kiểm tra của quần chúng từ dưới lên. V.I. Lênin đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiểm tra, kiểm soát có tính chất quần chúng từ dưới lên là một trong những biện pháp chủ yếu chống chủ nghĩa quan liêu có hiệu quả. Muốn vậy, phải đặt ra chế độ kiểm tra, kiểm soát thật chặt chẽ bằng nhiều biện pháp với sự giúp đỡ của tổ chức đảng, chính quyền, đặc biệt là tổ chức công đoàn. Người nói rõ, phải làm sao thu hút được đông đảo quần chúng tham gia vào việc kiểm tra được mọi công việc nhà nước và học tập tự quản lý lấy nhà nước. Người nói rõ: “Công tác kiểm tra đó thu hút càng nhiều công nhân và nông dân càng tốt. Chúng ta sẽ bắt tay vào việc đó, và do đó sẽ tẩy trừ chủ nghĩa quan liêu ra khỏi các cơ quan của chúng ta”6.

Năm là, cải tiến tổ chức, giảm nhẹ biên chế, đổi mới công tác cán bộ, đổi mới và thu hẹp bộ máy. Đây là biện pháp rất quan trọng mà V.I. Lênin yêu cầu các cơ quan đảng, nhà nước phải làm cho được. Người đề ra yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt chế độ trách nhiệm cá nhân đối với nhiệm vụ công tác. Theo Người, ngoài nhiệm vụ có tính nguyên tắc là xác định tổ chức bộ máy, sắp xếp và đổi mới bộ máy, thì: “Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của giai đoạn không phải là ra các sắc lệnh, tiến hành các cuộc cải tổ, mà là lựa chọn người, thiết lập chế độ trách nhiệm cá nhân đối với công việc đang làm, kiểm tra công việc thực tế. Nếu không như thế, thì không thể thoát được ra khỏi chủ nghĩa quan liêu và bệnh giấy tờ đang bóp nghẹt chúng ta”7.

Sáu là, kiên trì tuyên truyền, giáo dục, động viên, đi sâu vào thực tiễn, đề xuất những biện pháp thực tiễn. Cần tổ chức đoàn kết thật rộng lớn trong nhân dân, nâng cao trình độ văn hóa, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, kỷ luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kêu gọi sự giúp đỡ và đoàn kết của mọi tổ chức trong hệ thống chính trị. V.I. Lênin khẳng định, “chỉ có làm như vậy mới bảo đảm vững chắc cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu có kết quả”. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh: “Cần phải  hiểu rằng, hiện nay thực tiễn là tất cả, rằng đã đến một thời kỳ lịch sử mà lý luận biến thành thực tiễn, trở nên sinh động nhờ thực tiễn, được sửa chữa bằng thực tiễn, được kiểm tra lại trong thực tiễn”8. Thực tiễn đó là, xây dựng kinh tế, tổ chức tốt quản lý xã hội, chăm lo đời sống người lao động, phát triển sự trao đổi giữa các địa phương, vùng miền, sử dụng tốt đội ngũ chuyên gia nước ngoài cho phát triển kinh tế. Người nói: “Đối với chúng ta đó là hoạt động chính trị có ý nghĩa nhất”9.

Bảy là, đối với những cá nhân, cơ quan, tổ chức mắc bệnh quan liêu, phải thành thật, tự giác nhận ra khuyết điểm và phải kiên quyết sửa chữa. Phương pháp hữu hiệu nhất mà V.I. Lênin yêu cầu là thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu cá nhân và cơ quan nào mắc bệnh quan liêu mà không sửa chữa, Người yêu cầu đưa tin ngay lên đài báo, cách chức, xử phạt đúng mức độ sai phạm nhằm giữ nghiêm kỷ luật của đảng và của cơ quan nhà nước. Riêng đối với bọn lạm quyền, tham ô, lãng phí, có những hành vi bỉ ổi, hèn hạ, hiếp đáp xấu xa, Người yêu cầu xử ngay tại chỗ, thanh trừ ngay tức khắc, thậm chí lập tòa án truy tố. Người còn căn dặn, khi tiến hành các biện pháp trên phải thật mạnh dạn, một thứ mạnh dạn cần thiết để tạo ra những điều kiện thuận lợi cho đông đảo quần chúng tham gia, cho cán bộ, đảng viên phát huy năng lực sáng tạo trong đấu tranh. Người kết luận: “Muốn tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội có kết quả, thì cần thiết và cấp bách phải tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu”.

Nghiên cứu và vận dụng quan điểm của V.I. Lênin về chủ nghĩa quan liêu và đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay của cách mạng nước ta, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng đất nước giàu mạnh. Đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là cuộc đấu tranh xóa bỏ tình trạng quan liêu trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tình trạng thiếu sự gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; là đấu tranh chống thái độ, phong cách quan liêu của cán bộ các cấp, các ngành. Cụ thể là chống tham ô, lãng phí, chống đặc quyền, đặc lợi, cửa quyền, hống hách, nạt nộ dân, chống thói “lên mặt quan cách mạng”, xa rời dân, vi phạm những lợi ích chính đáng của dân; là đấu tranh cho công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới về tư duy kinh tế, đổi mới về tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu xây dựng đất nước ta giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo con đường xã hội chủ nghĩa.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1, 2. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, t.10, tr.42; t.8, tr.424.

          3, 4. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.54, tr.235; t.42, tr.336.

          5, 6. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.52, tr.249; t.40, tr.146.

          7, 8. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.452; t.35, tr.243.

          9. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.43, tr.397.

Nguồn: doanthanhnien.vn

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn